Phòng ngừa bệnh suy thận mạn

Bệnh suy thận đang trở thành vấn đề sức khỏe đáng lo ngại tại Việt Nam. Người mắc suy thận mạn phải gắn bó lâu dài với bệnh viện và thiết bị y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có hơn 10 triệu người Việt mắc bệnh thận mạn, trong đó khoảng 26.000 người đã bước vào giai đoạn cuối và cần điều trị thay thế thận. Tử vong do bệnh thận mạn đứng thứ 8 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại nước ta.

suy-than-16989828608531952082429-1449

Tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai), Khoa Thận nhân tạo đang quản lý 530 bệnh nhân suy thận mạn với 104 máy chạy thận hoạt động liên tục 4 ca mỗi ngày. Tuy vậy, cơ sở vẫn thường xuyên quá tải, phải giới thiệu bệnh nhân đến các bệnh viện, trung tâm y tế khác.

Nhiều bệnh nhân ở xa, hoàn cảnh khó khăn gặp trở ngại lớn trong quá trình điều trị. Bà T.T.H. (78 tuổi, ngụ huyện Định Quán) phải thuê xe để đến bệnh viện ba lần mỗi tuần, trong khi sức khỏe yếu và việc ăn uống, dùng thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt. “Chỉ cần lơ là, bệnh sẽ trở nặng”, bà chia sẻ.

Chị Lương Thị Kim Cúc – Điều dưỡng trưởng Khoa Thận nhân tạo – cho biết, bệnh nhân lớn tuổi nhất hiện đang điều trị tại khoa là 90 tuổi, nhỏ nhất mới 20 tuổi. Gần đây, nhiều bệnh nhân từ các bệnh viện nhi được chuyển lên khi vượt quá tuổi 16. Đa phần họ có hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe yếu, không thể lao động để trang trải chi phí điều trị.

Dự kiến trong dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sẽ thực hiện ca ghép thận đầu tiên. Nếu thành công, đây sẽ là đơn vị đầu tiên trong tỉnh thực hiện được kỹ thuật này.

Nguyên nhân và cách phòng ngừa suy thận mạn

Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Ngọc Yến – Trưởng khoa Lọc máu và Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai – bệnh suy thận mạn đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Ba nguyên nhân chính bao gồm: bệnh nền (đái tháo đường, tăng huyết áp), lối sống không lành mạnh và lạm dụng thuốc không rõ nguồn gốc.

Chế độ ăn nhiều đường, ít vận động, béo phì, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có gas và thói quen nhịn tiểu khiến thận phải làm việc quá sức. Tình trạng stress kéo dài cũng góp phần gây tổn thương thận. Ngoài ra, việc tự ý dùng thuốc giảm đau, kháng sinh, thực phẩm chức năng hoặc thuốc đông y không kiểm soát là nguy cơ tiềm ẩn gây suy thận.

Hiện nay, ba phương pháp điều trị chính gồm chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận. Trong đó, chạy thận nhân tạo phổ biến hơn do ghép thận chi phí cao và thiếu nguồn hiến tạng. Lọc màng bụng cho phép bệnh nhân điều trị tại nhà nhưng vẫn còn nhiều người e ngại khi không có nhân viên y tế hỗ trợ trực tiếp.

Các bác sĩ khuyến cáo người mắc bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh, tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ. Đồng thời, không tự ý dùng thuốc; ăn uống lành mạnh, giảm muối; uống đủ nước; hạn chế bia rượu; không hút thuốc lá; tập thể dục thường xuyên và giữ tinh thần lạc quan để phòng tránh bệnh thận mạn.

Tin liên quan: