Ngay sau khi ghi nhận 4 ca tử vong tại Bình Định do cúm, Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ đã họp trực tuyến khẩn với ngành y tế tỉnh Bình Định.
TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh chủ trì cuộc họp, cùng với đại diện Sở Y tế Bình Định, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định – nơi tiếp nhận và điều trị các các ca bệnh dương tính với cúm A (H1pdm) nặng hoặc tử vong và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm, hồi sức tích cực, vi sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn đến từ các viện, bệnh viện đầu ngành trong cả nước.
Theo báo cáo tóm tắt của Sở Y tế tỉnh Bình Định, tính đến ngày 26/11, tỉnh Bình Định đã ghi nhận 842 trường hợp mắc bệnh cúm. Giám sát 26 trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus, kết quả xét nghiệm có 10 trường hợp dương tính với cúm A(H1pdm), 1 trường hợp cúm B, 9 trường hợp âm tính, 6 trường hợp chưa có kết quả. Trong đó, ghi nhận 4 trường hợp tử vong tại Phú Mỹ (3 trường hợp) và Vĩnh Thạnh (1 trường hợp).
Qua điều tra, các trường hợp bệnh cúm A(H1pdm) ghi nhận tại Bình Định là các trường hợp bệnh đơn lẻ, chưa xác định mối liên quan dịch tễ giữa các ca bệnh.
Sau khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định báo cáo chi tiết về 4 trường hợp tử vong dương tính với Cúm A (H1pdm), các chuyên gia cùng thảo luận và nhận thấy, các trường hợp này đều trên 50 tuổi, có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, hội chứng Cushing, đến viện muộn, không được tiếp cận hồi sức tích cực sớm, tình trạng bệnh nhân khi nhập viện đều có viêm phổi nặng, biến chứng suy hô hấp, về cơ bản không có sự bất thường.
Sau khi nghe các ý kiến từ các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm, hồi sức tích cực, vi sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn đến từ các viện, bệnh viện đầu ngành, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh yêu cầu ngành y tế tỉnh Bình Định cần làm thêm giải trình tự gen các ca viêm phổi virus nặng để loại trừ các chủng virus mới, các bệnh viện tuyến cuối giám sát, phát hiện sớm các ca bất thường.
Đồng thời nghiên cứu, cập nhật, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị dự phòng cúm mùa và các chủng virus cúm; tăng cường công tác tiêm phòng cúm cho các đối tượng nguy cơ cao; tiếp tục nghiên cứu tình trạng kháng thuốc Oseltamivir; tăng cường giám sát cúm tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt các ca nặng, sớm phát hiện các ca cúm chủng mới.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện công tác phân luồng, cách ly các ca cúm nặng, phòng trường hợp phát sinh các chủng virus mới.
Tin liên quan: