Một bệnh nhân phát hiện ung thư phổi sau khi đi khám hậu COVID-19

Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân nữ, 50 tuổi, đến khám bởi cảm giác hụt hơi, khó thở thường xuyên sau khi khỏi COVID-19 được 2 tháng, tiền căn khác không có gì đặc biệt.

20200310_052313_418780_nguy-co-ung-thu-pho.max-1800x1800

(Ảnh minh họa)

Sau khi hỏi bệnh và thăm khám, bệnh nhân được tiến hành các thăm dò xét nghiệm cũng như chẩn đoán hình ảnh. Kết quả cho thấy: Bệnh nhân có tổn thương phổi xơ mức độ nhẹ hai bên, đồng thời quan sát trên phim có hình ảnh nốt mờ thùy trên phổi phải kích thước 1×1,5 cm.

Bệnh nhân được tiến hành các thăm dò chuyên sâu khác, kết luận: Ung thư phổi biểu mô tuyến T1bN0M0 (giai đoạn IA theo TNM8 ) có đột biến gen EGFR. Bệnh nhân sau đó được chuyển tới chuyên khoa ung bướu để điều trị sớm.

Với ung thư phổi ở giai đoạn này, tiên lượng thường tốt, với tỷ lệ sống trong 5 năm là trên 70%, thậm chí nhiều bệnh nhân có thể được chữa khỏi hoàn toàn.

Trên đây chỉ là một ví dụ trong rất nhiều trường hợp phát hiện tình cờ bệnh lý sẵn có nhờ đi kiểm tra sức khỏe “hậu COVID-19” và trường hợp trên cũng rất may mắn vì phát hiện được ung thư phổi ở giai đoạn rất sớm – căn bệnh mà một khi chẩn đoán ở giai đoạn muộn thì tỷ lệ tử vong là cực kỳ cao.

Do vậy, nếu thấy các biểu hiện bất thường “hậu COVID-19”, người dân nên chủ động đi khám sức khỏe sớm, không chỉ đánh giá được các tổn thương “hậu COVID-19” mà còn là một dịp để khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc các bệnh khác một cách kịp thời.

Theo VTV

Tin liên quan: