Những người nào cần cẩn thận với ung thư dạ dày?

Ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa, vì vậy hãy luôn chú ý đến sức khỏe của bản thân và đi khám ngay khi cảm thấy không khỏe

Mới đây, thông tin “Cô gái 23 tuổi đau bụng suốt 2 tuần nhưng không để ý đến khi đi khám được chẩn đoán ung thư dạ dày” đã khiến cư dân mạng Trung Quốc vô cùng sợ hãi.

Cụ thể, một cô gái 23 tuổi sống ở Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày. Cô thường bận rộn với công việc và chịu nhiều áp lực. Cô bắt đầu bị đau dạ dày vào giữa tháng 11 nhưng cô không hề để ý, chỉ cho rằng bản thân ăn phải món khó tiêu nên cô đã tự mua thuốc tiêu hóa về để uống. Vì thế tình trạng đau bụng kéo dài trong hai tuần liên tục. Mãi cho đến khi cơ thể xuất hiện triệu chứng nôn ra máu, cô mới sợ hãi và đi khám. Sau đó cô được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày giai đoạn cuối, khả năng bị di căn và tái đi tái lại là rất cao, ổ bụng bị tổn thương rất lớn và cần phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày.

Asian women her stomach aches hard She wakes up in the middle of the night while she sleeps.

Bác sĩ Cao Phong – Trưởng khoa ngoại điều trị bệnh về đường tiêu hóa thuộc Bệnh viện Ninh Ba, Trung Quốc và cũng là người trực tiếp điều trị cho cô gái trên, cho biết: “Nhiều người cho rằng những căn bệnh ác tính ở đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, ung thư ruột kết là những căn bệnh chỉ xảy ra ở người trung niên và người cao tuổi. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh ung thư dạ dày ngày càng gia tăng và có xu hướng tăng dần theo từng năm”.

Cư dân mạng Trung Quốc vô cùng sợ hãi bởi hiện nay có rất nhiều người trẻ chủ quan trước các bệnh về dạ dày. Vì vậy lời khuyên mà bác sĩ dành cho mọi người sẽ là: “Nếu như cảm thấy dạ dày không khỏe thì cần phải đến bệnh viện kiểm tra kịp thời, từ đó giúp giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Bác sĩ cũng chỉ rõ những người có những đặc điểm sau đây sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày

1, Người nhiễm khuẩn HP (Helicobacter pylori)

Vi khuẩn HP được biết đến là vi khuẩn chính gây viêm loét dạ dày và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Dạ dày bị nhiễm khuẩn HP lâu ngày có thể gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày khiến dạ dày bị viêm nhiễm và teo lại. Nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh có thể biến chứng thành ung thư dạ dày.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng diệt trừ thành công vi khuẩn HP có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày từ 34%-53%. Ngoài ra, những người bị ung thư dạ dày có khả năng bị nhiễm vi khuẩn HP cao hơn người bình thường. Nhiễm khuẩn HP cũng liên quan đến một số loại ung thư hạch dạ dày.

2, Chế độ ăn uống không điều độ

Đây là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh ung thư dạ dày. Thường xuyên ăn mặn, ăn nhiều muối, các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, nhiều chất bảo quản khiến lượng muối đưa vào cơ thể quá nhiều, gây quá tải cho hệ tiêu hóa. Đồng thời, ăn mặn cũng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày do muối thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn HP.

Ngoài ra, thói quen ăn quá nhanh cũng khiến dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng do thức ăn không được nhai kỹ, các enzyme trong nước bọt chưa kịp tiết ra để bôi trơn và phân hủy thức ăn trước khi được đưa xuống dạ dày. Do đó, dạ dày cũng không kịp tiết ra đủ dịch vị để kịp tiêu hóa khiến thức ăn ứ đọng, dạ dày hoạt động quá tải gây trào ngược axit, viêm loét và lâu dần dẫn đến ung thư dạ dày.

3, Người mắc sẵn bệnh dạ dày

Người mắc một số bệnh lý phổ biến ở dạ dày như viêm loét dạ dày, polyp dạ dày, viêm teo dạ dày, chuyển sản ruột ở niêm mạc dạ dày,… đều có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày nếu trong thời gian dài không được điều trị thích hợp.

Ngoài ra, những người có tiền sử phẫu thuật dạ dày, sau khi cắt bỏ một phần dạ dày thì sẽ tiết ra ít axit dạ dày hơn. Điều này khiến vi khuẩn có hại tồn tại nhiều hơn và làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

4, Gia đình có người mắc ung thư dạ dày

Di truyền cũng là một trong những yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Nếu những người thân trong gia đình (như bố mẹ, anh chị em, con cái) đã từng mắc ung thư dạ dày thì bạn cũng cần chú ý đến tình trạng sức khỏe của dạ dày.

Ung thư dạ dày rất khó được chẩn đoán ở giai đoạn đầu. Vì vậy, mọi người nên tránh xa các yếu tố làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày như đồ ăn mặn, rượu bia,…. Khi cảm thấy khó chịu, mọi người nên đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời. Đừng chủ quan khiến bệnh nhẹ chuyển thành bệnh nặng như cô gái trong câu chuyện trên.