Đồng Nai: Sốt xuất huyết hiện tăng mạnh trước mùa mưa

Mặc dù mùa mưa chưa bắt đầu, số ca mắc sốt xuất huyết tại Đồng Nai đã gia tăng đáng kể. Ngành y tế cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch và kêu gọi người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống như loại bỏ ổ lăng quăng, vệ sinh môi trường và phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm soát dịch bệnh.

Số ca mắc SXH toàn tỉnh tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế (TTYT) H.Vĩnh Cửu, trong 3 tháng đầu năm 2025, có 9/10 xã của huyện Vĩnh Cửu đã ghi nhận 45 ca mắc SXH, tăng 3 ca so với cùng kỳ và tăng cả về số ổ dịch. Trong đó 2 xã có số ca mắc cao nhất là Vĩnh Tân (10 ca) và Thạnh Phú (7ca), chỉ còn 1 xã duy nhất chưa ghi nhận là xã Tân Bình.

BS.CKI Nguyễn Thị Hà – Trưởng khoa Khoa kiểm soát dịch bệnh, HIV/AIDS (TTYT H.Vĩnh Cửu) cho hay: So với năm 2024, tình hình dịch SXH trên địa bàn huyện có diễn biến phức tạp hơn. Nguyên nhân chính là do từ tháng 1-2025 đến nay, hầu như tháng nào cũng có những cơn mưa trái mùa. Mưa xong, trời nắng lên là điều kiện để loăng quăng, bọ gậy phát triển rầm rộ. Tại nhà của người dân vẫn còn rất nhiều chậu cây cảnh, dụng cụ chứa thức ăn của gia súc gia cầm. Vì vậy, TTYT huyện cũng đã triển khai các hoạt động như tuyên truyền qua hệ thống loa đài về SXH, chuẩn bị hóa chất vật tư để xử lý kịp thời tình hình dịch.

Tương tự, TP. Biên Hòa cũng là địa phương đang có nhiều ca bệnh và ổ dịch SXH. Đến ngày 3-4, toàn thành phố ghi nhận 430 ca, tăng 286 ca so với cùng kỳ, ghi nhận 96 ổ dịch, chưa có ca tử vong. Theo BS.CKII Đậu Ngọc Trung, Trưởng khoa Khoa kiểm soát dịch bệnh, HIV/AIDS (TTYT TP.Biên Hòa), sự biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến gia tăng các ổ dịch và ca mắc. Bên cạnh đó, người dân còn lơ là vấn đề vệ sinh môi trường. Qua những đợt vãng gia, chúng tôi phát hiện tại nhà người dân có nhiều dụng cụ chứa nước như cây cảnh, lốp xe, ly nhựa dùng 1 lần vứt bừa bãi…đây là môi trường lí tưởng cho lăng quăng, bọ gậy phát triển.

sxh1

Trạm Y tế phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) tổ chức xe lưu động tuyên truyền phòng chống SXH.

Chỉ tính riêng tuần 12/2025, toàn khu vực phía Nam đã ghi nhận 765 ca mắc SXH, tăng 54,9% so với cùng kỳ (494 ca). Tích lũy từ đầu năm, toàn khu vực có 12.076 ca mắc, tăng 57,6% so với cùng kỳ. Tại Đồng Nai, tính đến ngày 3-4, toàn tỉnh ghi nhận 1.940 ca, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2024, tổng số ổ dịch được phát hiện là 438 OD, tăng 1,58 lần so với cùng kỳ.

Cần chủ động triển khai các biện pháp phòng chống 

Xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu là địa phương duy nhất của huyện đến nay chưa ghi nhận ca mắc SXH. Cử nhân Tống Thị Thu Hồng, phụ trách Trạm y tế xã Tân Bình cho biết: So với các xã khác trên địa bàn huyện, Tân Bình chưa ghi nhận ca mắc SXH. Tuy nhiên, không vì thế mà trạm xem nhẹ công tác phòng dịch. Qua các buổi giao ban ở UBND xã, Trạm Y tế luôn chủ động tham mưu các kế hoạch về phòng chống SXH, có sự tham gia của đoàn thanh niên. Tuyên truyền, vận động người dân dọn dẹp vật dụng có chứa lăng quăng, dọn dẹp vệ sinh môi trường nơi mình sinh sống nhằm hạn chế mức thấp nhất ca mắc và ổ dịch.

Screenshot 2025-04-11 222645

Nhân viên y tế CDC Đồng Nai giám sát lăng quăng tại xã Tân Bình (H. Vĩnh Cửu).

Thực hiện kế hoạch phòng chống SXH của UBND thành phố, TTYT TP. Biên Hòa triển khai chiến dịch diệt lăng quăng bọ gậy và truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika vòng I năm 2025 trên địa bàn thành phố, với mục tiêu: Giảm tỷ lệ mắc SXH và bệnh do vi rút Zika; Nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH; Phòng ngừa tích cực, chủ động dựa vào cộng đồng. Huy động tích cực các cấp, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân phối hợp triển khai, tích cực tham gia nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh SXH.

Để công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch SXH nói riêng đạt hiệu quả cao, ngành y tế mong muốn người dân hãy chủ động, không đứng ngoài cuộc, không coi đó là nhiệm vụ của y tế mà thờ ơ với sức khỏe của bản thân và cộng đồng. “Là một địa bàn rộng, tỉ lệ biến động dân số cao, vệ sinh môi trường tại các khu nhà trọ chưa tốt, ý thức phòng bệnh chưa cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika lây lan và bùng phát thành dịch. Cũng theo dự báo tình hình dịch bệnh những tháng cuối năm 2025, trong đó bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika có khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp, thời tiết mưa nắng thất thường không theo quy luật, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh”- BS Trung nói.

BS.CKII Lưu Văn Dũng – Phó giám đốc Sở Y tế chỉ đạo: Đối với dịch SXH, chúng ta cần chủ động phòng ngừa từ xa. Mặc dù chưa có những trường hợp nặng hay tử vong nhưng các địa phương phải chủ động phòng bệnh. CDC Đồng Nai nhanh chóng tham mưu kế hoạch “Ngày cuối tuần phòng chống sốt xuất huyết” để Sở Y tế trình UBND tỉnh phê duyệt sớm để các cơ quan, ban ngành chung tay cùng ngành y tế thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, hạn chế thấp nhất ca mắc, ca nặng và tử vong do SXH.

Tin liên quan: