Theo khuyến cáo của chuyên gia, các biến chứng của đái tháo đường ở mắt, thận, não, tim… có thể xuất hiện ngay khi vừa mắc đái tháo đường.
Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Bệnh có các triệu chứng điển hình như đi tiểu thường xuyên; cảm thấy rất khát; cảm thấy rất đói – ngay cả khi đang ăn; mệt mỏi nhiều; nhìn mờ; chậm lành các vết thương hoặc vết loét; ngứa ran, đau, hoặc tê ở tay hoặc chân.
Theo BSCKI. Mã Tùng Phát, Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, việc theo dõi và kiểm soát đường huyết là chìa khóa để ngăn ngừa sự xuất hiện mới cũng như làm chậm diễn tiến của các biến chứng ở mắt, thận, não, tim của đái tháo đường.
Quản lý và điều trị của đái tháo đường không chỉ đơn thuần là kiểm soát đường huyết mà con kết hợp với việc tầm soát và điều trị các biến chứng liên quan đái tháo đường.
Bác sĩ Mã Tùng Phát lưu ý đối với người bệnh đái tháo đường, việc tuân theo phác đồ điều trị, chế độ ăn uống hợp lý đồng thời theo dõi đường huyết chính là yếu tố then chốt giúp người bệnh chủ động hơn trong kiểm soát tình trạng bệnh.
Đây là cơ sở để bác sĩ điều chỉnh các thuốc điều trị cũng như các thói quen sinh hoạt ăn uống, tập luyện nhằm giúp người bệnh kiểm soát đường huyết tốt hơn, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Để thử đường huyết, người bệnh sẽ dùng kim để trích máu từ đầu ngón tay nên thường gây đau, sợ hãi và đôi khi là e ngại khi phải thử đường huyết trước mặt người khác.
Trong những năm gần đây, thiết bị theo dõi đường huyết liên tục đã được sử dụng rộng rãi, giúp tự động đo đường huyết liên tục mỗi vài phút, trong suốt 24 giờ và trong nhiều ngày (thường là từ 7-14 ngày).
Bác sĩ Mã Tùng Phát cho biết, thiết bị theo dõi đường huyết liên tục thường gồm một cảm biến gắn ở da (thường ở vùng bụng hoặc mặt dưới cánh tay) và một thiết bị đọc kết quả đường huyết để đo đường huyết liên tục 24/24.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể sử dụng điện thoại thông minh để đọc kết quả từ các cảm biến. Với thiết bị này, người bệnh và người nhà người bệnh có thể xem đường huyết mỗi vài phút, bất kể khi nào, người bệnh không cảm giác đau khi phải trích máu từ ngón tay, có thể xem đường huyết bất kể nơi đâu với thao tác đơn giản (chỉ cần quan sát màn hình điện thoại) mà không cần phải đem theo kim, gòn, cồn và phải nghĩ cách xử lý các vật dụng này khi thử đường.
Ngoài ra, các thiết bị theo dõi đường huyết liên tục cho thấy diễn tiến đường huyết chi tiết, phản ánh những thay đổi đường huyết sau ăn khá rõ, từ đó giúp bác sĩ có thêm cơ sở tư vấn cho người bệnh, nhất là chế độ ăn.
Một số người bệnh chủ động hơn khi thấy được những thay đổi đường huyết sau ăn. Với từng loại món ăn, thức uống họ dùng, họ có thể tự rút kinh nghiệm rồi điều chỉnh để tự quản lý đường huyết mình tốt hơn mà chưa phải đợi đến lịch khám.
Khuyết điểm của phương pháp này là giá thành hiện tại khá cao, chưa phù hợp khả năng chi trả cho phần lớn người bệnh. Mặt khác, để sử dụng các thiết bị này hiệu quả, người bệnh cần phải có những hiểu biết cơ bản về công nghệ, cần được hướng dẫn, tư vấn kĩ càng để có khả năng xử lý những thông tin và dữ liệu từ kết quả đường huyết.
Tin liên quan: